Dược Cửu Long: “2022 vẫn là một năm tăng trưởng mạnh, dù lợi nhuận bị giảm do trích lập dự phòng”
27.11.2022

Dược Cửu Long:

“2022 vẫn là một năm tăng trưởng mạnh, dù lợi nhuận bị giảm do trích lập dự phòng”

Kết luận bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội ngày 24/11/2022 đối với vụ án xảy ra tại Bộ Y tế liên quan đến hợp đồng sản xuất thuốc Oseltamin giai đoạn 2006 – 2008 là một điều bất lợi đối với hoạt động kinh doanh của Dược Cửu Long (DCL) ở thời điểm này. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Công ty vẫn tự tin sẽ hoàn thành vượt kế hoạch kinh doanh mà Đại hội đồng cổ đông đã thông qua.

TRU SO DCL update 2022 2

Ngày 24/11/2022, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ xảy ra tại Bộ Y tế, Dược Cửu Long và các đơn vị liên quan”. Theo kết quả xét xử bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, Dược Cửu Long là pháp nhân bị buộc bồi thường số tiền 58.431.883.500 đồng cho Bộ Y tế.

Về kết luận trên, Ban lãnh đạo Dược Cửu Long cho biết, bản án đã và sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty ở cả góc độ tài chính và tâm lý của người lao động nhưng về dài hạn, Công ty vẫn đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh doanh đã đặt ra.

Theo đó, trong suốt thời gian diễn ra vụ án, tâm lý người lao động cũng hoang mang, lo lắng. Thêm vào đó, việc nhận quyết định phải bồi thường số tiền hơn 58 tỷ đồng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính và các chỉ tiêu kinh doanh của Công ty, trong bối cảnh 2022 là năm có biến động vĩ mô lớn, nên các doanh nghiệp đều ít nhiều bị ảnh hưởng.

Ông Lương Trọng Hải – Tổng giám đốc Công ty cho biết, với tinh thần thượng tôn pháp luật, Dược Cửu Long luôn chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan để đảm bảo quá trình thu thập bằng chứng và xét xử được diễn ra đúng theo quy định pháp luật. Những sai phạm trong vụ án đều phát sinh từ giai đoạn 2006-2008, trước khi Công ty được tái cấu trúc toàn diện và đã được phân chia lợi ích hết từ giai đoạn trước. “Vì vậy, trong thời gian tới đây, chúng tôi sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông và Công ty”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, bên cạnh vấn đề trực diện liên quan đến bản án, điều mà Dược Cửu Long đang tập trung làm lúc này chính là ổn định tâm lý người lao động và xây dựng, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.

Tính đến quý 3/2022, doanh thu thuần hợp nhất Công ty đạt 670,71 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 69,081 tỷ đồng, tăng tương ứng 31,81% và 12,05% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính cả năm 2022, lần đầu tiên Công ty có thể cán mốc 1000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt trên 136 tỷ đồng, phấn đấu mục tiêu gần 150 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm 2022.

Hoạt động kinh doanh tiến triển tốt, nhưng kết quả cuối cùng có thể sẽ không đạt chỉ tiêu do Công ty phải trích lập dự phòng khoản tiền bồi thường hơn 58 tỷ đồng theo quyết định của bản án sơ thẩm.

“Hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh ước vượt kế hoạch, nhưng kết quả lợi nhuận trên báo cáo tài chính có thể sẽ không đạt mục tiêu con số mà Đại hội đồng cổ đông đã thông qua, đó là điều rất đáng tiếc với Dược Cửu Long trong năm nay. Tuy nhiên, Công ty đã và đang thực hiện các giải pháp đồng bộ để cán bộ – công nhân viên yên tâm công tác, bên cạnh với xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với mục tiêu kinh doanh, tăng trưởng của Công ty”, ông Hải cho biết thêm.

Cũng theo ông Hải, Dược Cửu Long xem đây như một thách thức cần vượt qua trong giai đoạn ngắn, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, vượt khó để tiến tới mục tiêu lớn là trở thành công ty dược Việt Nam uy tín hàng đầu, được đánh giá cao nhất bởi bệnh nhân và cộng đồng thông qua sự đa dạng về chủng loại sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân về chất lượng sản phẩm, hệ thống phân phối rộng khắp, mang lại sự thuận tiện cho việc tiếp cận và chăm sóc.

Hiện nay, Dược Cửu Long sở hữu 4 nhà máy trong lĩnh vực dược phẩm, bơm kim tiêm, sản xuất nang… Các nhà máy hiện sử dụng công nghệ tiên tiến được nhập từ Canada và Hàn Quốc, đã hoạt động hết công suất công suất.

Ngoài lĩnh vực dược phẩm nổi tiếng với thương hiệu Dược Cửu Long, trong lĩnh vực sản xuất viên nang cứng rỗng (capsule), Công ty được biết là đơn vị duy nhất của Việt Nam sản xuất và cung ứng sản phẩm capsule các loại. Công ty đang tiếp tục đầu tư dự án mở rộng nhà máy capsule giai đoạn 5 với tổng vốn đầu tư 232,5 tỷ đồng, công suất 2,8 tỷ nang/năm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Đối với nhà máy vật tư thiết bị y tế, Dược Cửu Long hiện đang triển khai xây dựng mới 01 nhà máy vật tư thiết bị y tế với quy mô 10,846,6 m2, vốn đầu tư khoảng 350 tỷ đồng, công suất đạt 21,5 triệu sản phẩm/tháng.

Mới đây nhất, vào ngày 22/11/2022, Dược Cửu Long đã tiếp nhận Quyết định và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy Dược phẩm theo tiêu chuẩn EU-GMP do Ban Quản lý khu Kinh tế tỉnh Long An. Đây là một trong những dự án tiêu biểu của tỉnh với mức tổng vốn đầu tư 1,035 tỷ đồng, với quy mô 50.000 m2. Công suất sản xuất thuốc, dược phẩm của nhà máy đạt 1,6 tỷ sản phẩm/năm, các vật tư y tế như bơm kim tiêm, dây tuyền dịch, ống mẫu máu, kim luồn tĩnh mạch … đạt 360 triệu đơn vị sản phẩm/năm.

Tính riêng giai đoạn 2015 đến nay, Dược Cửu Long đã đóng góp gần 333 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước thông qua việc nộp thuế. Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, Dược Cửu Long luôn chú trọng thực hiện các trách nhiệm xã hội.

Năm 2021, Dược Cửu Long cùng với Tập đoàn F.I.T thực hiện chương trình “Đẩy lùi Covid-19” để trao tặng những vật phẩm thiết yếu và thuốc cho 6 cơ sở điều trị Covid tại TP.HCM, cũng như các hàng chục địa phương có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước. Trong đó, Dược Cửu Long đã trao tặng Hệ thống máy xét nghiệm tự động Real-Time PCR của Trung Tâm Y Tế thành phố Vĩnh Long với giá trị hơn 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Dược Cửu Long còn thực hiện chương trình trao tặng các gói thuốc 0đ cho bệnh nhân điều trị Covid 19 tại nhà, khám chữa bệnh cho bà con nghèo vùng cao tại các tỉnh như Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lak, Đồng Tháp…

Tin tức liên quan