Ngày 13/9, Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long đã có buổi tiếp đón đại diện các Tập đoàn, các Quỹ đầu tư trong và ngoài nước đến thăm và làm việc tại nhà máy sản xuất dược phẩm của công ty.
Trong chuyến đi thăm và làm việc này, DCL đã đón tiếp các công ty, tập đoàn và các Quỹ đầu tư lớn như: Tong Yang Investment, Sarus Capital, Vietcombank Fund Management, SSIAM, Dream Incubator, Wardhaven…..Đôi bên đã có những trao đổi hết sức cởi mở để tìm kiếm những cơ hội tiềm năng cho sự hợp tác trong tương lai .
Ông Phí Xuân Trường đại diện BLĐ của DCL đã trình bày với các Nhà đầu tư về tổng quan tình hình hoạt động trên mọi phương diện từ sản phẩm tới cơ sở sản xuất; từ mạng lưới phân phối tới chiến lược phát triển trong thời gian tới của doanh nghiệp. Ông Trường khẳng định “Với hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực dược, thương hiệu Pharimexco – VPC đã trở thành cái tên quen thuộc, uy tín với người tiêu dùng, các nhà thuốc và các bệnh viện lớn trên các tỉnh thành của Việt Nam. Với riêng kết quả đạt doanh thu 6 tháng đầu năm 2017, DCL đã đạt 51,12 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng mạnh 23,6% so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ đạt 41,36 tỷ đồng) đã thể hiện rất rõ tiềm năng phát triển lớn của công ty.”
Buổi chiều cùng ngày, đại diện các tập đoàn và các quỹ đầu tư cũng có thời gian tham quan 2 nhà máy sản xuất thuốc và vỏ thuốc của DCL. Qua đó giúp cho các Nhà đầu tư có cái nhìn cận cảnh và đầy đủ hơn về quy trình sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn hiện đại, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về quản lý chất lượng của DCL.
Hiện nay, Dược Cửu Long nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư bởi đầu năm 2017, Công ty đã thực hiện mua lại Euvipharm là một trong những nhà máy dược phẩm hiện đại bậc nhất Việt Nam. Ngoài ra, DCL đã liên doanh với SCIC và một số nhà đầu tư để đầu tư vào nhà máy sản xuất thuốc ung thư, trở thành nhà máy sản xuất thuốc ung thư đầu tiên tại Việt Nam.
Hơn nữa, quý I năm 2017, DCL bắt đầu đầu tư xây dựng nhà máy capsule 3 với tổng giá trị đầu tư lên tới 363 tỷ đồng nhằm tăng nâng suất cho việc sản xuất viên nang rỗng lên tới 270% vốn đang là nguồn cung khan hiếm tại Việt Nam. Bên cạnh đó, DCL cũng đang tiến hành các dự án đầu tư thêm nhiều hệ thống máy móc và dây chuyền hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm của công ty. Và việc thay đổi nhãn hiệu của các dòng sản phẩm Panalgan (hạ sốt, cảm cúm, giảm đau nhức)…hướng tới sự thân thiện với người bệnh cũng khẳng định nỗ lực của doanh nghiệp trong việc xây dựng củng cố và định vị thương hiệu vững chắc hơn trong thị trường dược phẩm trong nước.
Đồng thời, DCL hiện tại đang có 3 kho chính được đặt tại các vị trí trọng điểm như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Vĩnh Long đảm bảo cung cấp kịp thời các sản phẩm cho hệ thống phân phối với hơn 13 chi nhánh và hơn 55 nhà phân phối trải dài trừ Bắc đến Nam của doanh nghiệp.
Chính vì hội tụ đủ các yếu tố cho sự phát triển sâu rộng như trên mà DCL được các Nhà đầu tư đánh giá là một trong những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh nổi trội hơn những doanh nghiệp cùng ngành khác.
“Nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang có những chuyển biến tích cực, đặc biệt thị trường dược phẩm trong nước đạt mức tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực Châu Á, các doanh nghiệp dược với triển vọng phát triển tốt hiện đang nhận được mức độ quan tâm lớn từ các Quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Trong bối cảnh thị trường dược mở cửa sâu rộng, với sự đầu tư mạnh mẽ và định hướng chiến lược đưa ra từ công ty mẹ làTập đoàn FIT, DCL đã và đang tạo ra được lợi thế cạnh tranh hoàn toàn khác biệt so với các doanh nghiệp dược khác tại Việt Nam – Đây chính là yếu tố mà chúng tôi tin chắc rằng không một nhà đầu tư thông minh nào bỏ qua khi muốn đầu tư vào thị trường Dược tại Việt Nam” – Ông Trịnh Quốc Khánh, phó Tổng giám đốc phụ trách Tài chính – Đầu tư của DCL chia sẻ.